Bờ Xưa – Nói Thêm Về Bia Lê Lợi

Địa danh Bờ xưa có những điều độc đáo. Độc đáo không chỉ ở bản nguyên của nó mà còn độc đáo ở sự khác biệt và thân phận chìm nổi theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từng di tích. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin nói về Bia Lê Lợi.

Một quần thể đá khổng lồ lô xô từ bờ đến choán cả lòng sông tạo vẻ đẹp kỳ vĩ và ta gọi thác Bờ. Cách gọi thác Bờ không phải không có những băn khoăn và đâu đó còn tranh luận. Một nguồn nước từ trên cao đổ xuống mới gọi là thác. Còn nguồn nước bị cản lại do đá nổi lên ở giữa dòng thì gọi là ghềnh.
 
Như vậy, quần thể đá khổng lồ nổi choán giữa dòng sông Đà đoạn ở chợ Bờ thì phải gọi là ghềnh Bờ mới đúng. Khi tôi xuất bản tập sách ảnh Bờ xưa thì cũng đã có người trao đổi lại về cách gọi này. Tuy nhiên, không biết từ bao giờ, con người đã gọi là thác Bờ. Cách gọi này không chỉ qua lời nói mà nó đã đi vào bao áng văn chương, sách vở và trở thành quen thuộc. Có mấy ai gọi ghềnh Bờ?

Bia Lê Lợi trên đồi Hang Thần hiện nay

Cũng chính trong quần thể đá khổng lồ tạo nên thác Bờ thì có Bia Lê Lợi. Gọi Bia Lê Lợi là gọi tắt. Thực ra là phần đá có khắc bài thơ của vua Lê Lợi mới đủ và đúng. Có người nghĩ, bài thơ khắc trên vách đá phải là vách của một núi đá cao. Lại có người nghĩ bia Lê Lợi phải là một tấm bia rời, khắc thơ rồi dựng hay ốp vào đá … Đây cũng là sự khác biệt. Nếu không nói kỹ thì có người, ngay cả người ở Hòa Bình, người sinh ra khi chưa Chợ Bờ chưa ngập chìm trong hồ nước mênh mông có khi còn nhầm lẫn, huống chi khách du lịch phương xa.

Quần thể đá nêu trên có hai phần. Phần dưới sông tạo thành thác Bờ. Phần trên bờ tạo thành bãi đá cạn cũng vô cùng đẹp. Ở đó cũng có hang, ngách và vô vàn mỏm đá, ngọn đá lô xô. Người ta đã chọn một trong những ngọn đá nhỏ, cao gấp đôi đầu người, đục đẽo tạo một mặt phẳng khoảng 1,5 x 1,0m rồi khắc bài thơ của vua Lê Lợi vào đó.

Bia Lê Lợi ở cạnh sân bóng phố Bờ xưa
 
Thời gian vua Lê Lợi thân chinh đưa quân đi dẹp giặc loạn Đèo Cát Hãn và dừng chân ở Chợ Bờ (do tầu thuyền lớn không thể vượt thác) là năm Nhâm tý (1432). Bài thơ của vua Lê Lợi được khắc ngay khi đó hay sau này mới khắc thì không có tài liệu nào ghi, ngay cả trên bia, dưới bài thơ cũng không ghi ngày tháng. Lạc khoản của bài thơ như sau:

Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan
Lão ngã do tồn thiết thạch can
Hào khí tảo thanh thiên chướng vụ
Tráng tâm di tận vạn trùng san
Biên phòng hảo vị trù phương lược
Xã tắc ưng tu kế cửu an
Hư đạo nguy than tam bách khúc
Như kim chỉ tác thuận lưu khan.

Dịch thơ:

Ngập ghềnh hiểm hóc chẳng từ nan
Già vẫn nguyên còn sắt đá gan
Hào khí nghìn mù đều sạch quét
Tráng tâm muôn núi cũng bằng san
Biên phòng tất khéo mưu phòng lược
Xã tắc nên trù kế cửu an
Ghềnh thác ba trăm lời cổ ngữ
Nhưng nay dòng thuận chỉ xuôi nhàn.

Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà khởi công xây dựng. Toàn bộ huyện lỵ và hàng ngàn hộ dân của huyện Đà Bắc phải chuyển khỏi vùng ngập tạo lên hồ nước mênh mông, phục vụ cho việc phát điện của nhà máy. Nhận thấy, Bia Lê Lợi là một di tích lịch sử và văn hóa quan trọng, nên ngành Văn hóa đã quyết định đục, cắt phần ngọn đá khắc bài thơ của vua Lê Lợi chuyển về dựng tại sân Nhà văn hóa thị xã Hòa Bình.

Tốp thợ đá cắt bia Lê Lợi để chuyển về thị xã Hòa Bình và cháu bé Phạm Đức Vượng

Trong quá trình điền dã sưu tầm ảnh Bờ xưa, tôi gặp được bức ảnh kèm theo câu chuyện thú vị liên quan đến Bia Lê Lợi. Trước khi nước ngập, một tốp thợ đá là những thanh niên trẻ từ Thanh Hóa được thuê ra cắt mỏn đá Bia Lê Lợi. Phương tiện thi công lúc này chủ yếu đục tay nên rất công phu và tốn thời gian. Chính thế, tốp thợ đá phải ở lại Chợ Bờ một thời gian.
 
Phố Bờ thời đó đã thưa vắng do một số cơ quan và gia đình dân chuyển đi. Đôi vợ chồng trẻ Việt – Chiến làm ở Cửa hàng Lương thực huyện, đối diện với Bia Lê Lợi. Một ngày nghỉ, chị Chiến bế đứa con trai đầu lòng chưa đầy tuổi ra thác Bờ chơi và gặp đúng lúc ông Vũ Tài chủ hiệu ảnh duy nhất tại phố Bờ khi đó xách máy ra thác Bờ chụp ảnh cho khách. Thấy đứa trẻ bụ bẫm, đáng yêu, mấy chú thợ đá tha thiết xin chị Chiến cho họ được chụp kiểu ảnh cùng đứa trẻ. Thế là ông Vũ Tài bấm máy. Đứa trẻ ấy (trong ảnh) là Phạm Đức Vượng, năm nay đã vào tuổi 40.
Học sinh lớp 7 (phố Bờ) chụp ảnh trước Bia Lê Lợi năm 1975.
 
Hồ Hòa Bình được quy hoạch khu du lịch cấp quốc gia. Các hạng mục trên hồ được đầu tư, xây dựng, trong đó có khu tâm linh tổng hợp có tên gọi “Thác Bờ Linh Từ”. Khu này thờ từ bà Chúa Thác đến Vua Lê Lợi. Thế là khối đá có bài thơ của vua Lê Lợi lại được chuyển từ Tp. Hòa Bình lên đồi Hang Thần, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc. (Tôi sẽ có bài viết riêng về khu tâm linh này vào dịp thích hợp).
Như vậy, Bia Lê Lợi nguyên bản tại Chợ Bờ xưa vẫn còn và nay được chuyển về khu vực Chợ Bờ xưa – nơi nó phát tích.

Lê Va
Chia sẻ:

TƯ VẤN HỖ TRỢ 24/7

Phone icon 091.448.9282
Phone icon 097.417.7704
Email: denchuathacbo.vn@gmail.com

Hotline/zalo 0914489282

Xem nhiều

Facebook denchuathacbo.vn